Thật Tướng Diệu Lý & Vô Tướng Công Năng

Trong kinh Lăng Nghiêm, lúc ban đầu, A-nan chỉ quan tâm duy nhất đến tình yêu nơi thân thể của Đức Phật, nên không lo tu tập định lực. A-nan nghĩ rằng : “Đức Phật là anh em chú bác với con, trong tương lai Đức Phật sẽ trao cho A-Nan định lực.” A-nan ưa thích thân tướng trang nghiêm của Đức Phật, nên A-nan có thể từ bỏ sức hấp dẫn sâu đậm của tình ái thế tục và xả bỏ râu tóc để xuất gia. A-nan không nhận ra rằng chẳng ai có thể thay thế cho mình trong khi tu tập, cả thân lẫn tâm.

Giả sử bách thiên kiếp
Thường kiến ư Như Lai
Bất y chân thật nghĩa
Nhi quán cứu thế giả.

Nếu như trong trăm ngàn kiếp, luôn luôn thấy được Phật, song chẳng y chiếu nghĩa chân thật (lìa tướng) để quán sát Phật, thì thường chấp chặt vào ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp của Phật, cho rằng đó là mặt mày chân thật của Phật.

Thị nhân thủ chư tướng
Tăng trưởng si hoặc võng
Hệ phược sanh tử ngục
Manh minh bất kiến Phật.

Tuy nhiên người đó thấy Phật, song trụ vào các tướng, chẳng biết rằng tướng là không, thì chỉ tăng thêm lưới si hoặc, mà bị dây thừng sinh tử trói chặt, vĩnh viễn thoát chẳng khỏi sáu nẻo luân hồi. Nhốt ở trong lao ngục sinh tử, thì cũng như người mù tối, vĩnh viễn chẳng thấy được mặt mày chân thật của Phật.

Chúng ta nên phá tan chấp trước, đừng chấp trước có, cũng đừng chấp trước không. Chấp có, chấp không, thì rơi vào hai bên. Chấp có thì thủ lấy các tướng, chấp không thì rơi vào không (chẳng có gì hết). Không, có, chẳng chấp trước, tức là trung đạo.

Người chân chánh học Phật pháp thì phải lìa tướng, lìa tướng tức là bồ đề. Nếu không thể lìa tướng, mà chấp trước tướng, thì chỉ là ngày càng ngu si, không thể khai mở trí huệ. Khai mở trí huệ thì thấy Phật, chẳng khai mở trí huệ thì ngu si, ngu si thì thấy quỷ. Người học Phật pháp, nên càng học càng thông minh, không thể càng học càng hồ đồ.

Quan sát ư chư Pháp
Tự tánh vô sở hữu
Như kỳ sanh diệt tướng
Đãn thị giả danh thuyết.

Ba quán của tông Thiên Thai, tức là quán không, quán giả, quán trung. Dùng một bài kệ để nói rõ:
‘’Nhân duyên sinh ra pháp
Ta nói tức là không (quán không).
Tên cũng là giả danh (quán giả).
Tên cũng nghĩa trung đạo (quán trung).’’

Các pháp từ duyên sinh, các pháp từ duyên diệt. Nhân duyên sinh ra các pháp đều là không, cũng là giả; minh bạch tức là nghĩa trung đạo. Ba quán đó vốn là một, tức là quán trung. Song, trước hết phải minh bạch nó là quán không, sau đó lại minh bạch nó là quán giả, lại thấu hiểu nó là trung đạo liễu nghĩa, tức là quán trung.

Quán tất cả các pháp, đều là không tự tánh. Sinh rồi diệt, diệt rồi sinh. Tướng đó là không, nhưng là giả danh, chẳng có thật thể. Cho nên Tỳ Kheo Mã Thắng nói với tôn giả Xá Lợi Phất rằng:

‘’Các pháp từ duyên sinh
Các pháp từ duyên diệt.
Phật ta đại Sa Môn
Thường nói như vậy đó.’’

Nhất thiết pháp vô sanh
Nhất thiết pháp vô diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền.

Quán sát tất cả các pháp, chẳng có tướng sinh, cũng chẳng có tướng diệt, đó là đắc được vô sinh pháp nhẫn. Tức cũng là chẳng thấy chút pháp sinh, chẳng thấy chút pháp diệt, mà kham nhẫn thọ nơi tâm. Lúc đó, miệng muốn nói cũng nói không ra. Có trí huệ thấu hiểu như thế, thì chư Phật luôn hiện tiền ở trước mặt bạn. Nếu chưa chứng đắc trí huệ như thế, thì dù chư Phật ở trước mặt bạn, bạn cũng nhìn chẳng thấy; dù có nhìn thấy cũng chẳng biết. Do đó, có câu:
‘’Ðối diện bất thức Quán Thế Âm.’’
Hà huống là Phật, càng không thể biết được.

Pháp tánh bổn không tịch
Vô thủ diệc vô kiến
Tánh không tức thị Phật,
Bất khả đắc tư lượng.

Bản tánh của pháp là không sinh không diệt, vốn là vắng lặng, không thể nắm lấy, cũng không thể nhìn thấy, do đó:
‘’Nhìn mà chẳng thấy,
Thính mà chẳng nghe,
Ngửi mà chẳng có mùi.’’

Nếu chứng được cảnh giới pháp tánh vắng lặng, thì tất cả đều là không. Ðó tức là Phật thật hiện ở trước, là cảnh giới không thể suy lường được. Nếu suy lường được thì biến thành đệ nhị nghĩa. Ðệ nhất nghĩa đế tức là không thể nghĩ, không thể tưởng, không thể lường.

Nhược tri nhất thiết pháp
Thể tánh giai như thị
Tư nhân tức bất vi,
Phiền não sở nhiễm trước.

Nếu như biết được bản tánh và tự tánh của tất cả các pháp, đều không sinh không diệt, thì người đó không bị tất cả phiền não làm nhiễm ô và chấp trước. Nếu biết tất cả pháp vốn không sinh, vốn không diệt, thì phiền não sẽ biến thành bồ đề. Lúc đó, chẳng có nhiễm ô, chỉ có thanh tịnh, diệu chân như tánh. Bổn thể của tất cả các pháp, cũng chẳng nhiễm trước.

Phàm phu kiến chư Pháp,
Đãn tùy ư tướng chuyển,
Bất liễu Pháp vô tướng,
Dĩ thị bất kiến Phật.

Phàm phu thì thấy có, hàng nhị thừa thì thấy không, Bồ Tát thì thấy trung đạo bổn thể. Phàm phu thấy tất cả các pháp, tức là tất cả pháp hữu vi mà chấp trước vào tất cả tướng. Hàng nhị thừa thấy tất cả các pháp đều là không, nhưng chưa thấy trung đạo. Bồ Tát tu pháp môn trung đạo, chẳng thiên về không, chẳng rơi vào có. Phàm phu thấy các pháp, thì tùy theo tướng mà chuyển, chẳng minh bạch đạo lý pháp, là lìa tất cả tướng, cho nên không thể thấy được bổn viên tự tánh thiên chân Phật.

Mâu Ni ly tam thế,
Chư tướng tất cụ túc,
Trụ ư vô sở trụ,
Phổ biến nhi bất động.

Phật Thích Ca Mâu Ni đã lìa khỏi quá khứ, hiện tại, vị lai ba đời. Ðầy đủ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, các tướng đều viên mãn. Phật trụ ở chỗ chẳng chỗ trụ, tức cũng là vô tại mà vô bất tại. Do đó ‘’Tận hư không, khắp pháp giới,’’ đều là pháp thân của Phật. Phật chẳng động một nơi, mà khắp mọi nơi. Tuy khắp mọi nơi, mà chẳng lìa một nơi. Do đó: ‘’Một là tất cả, tất cả là một,’’ cho nên nói: ‘’Khắp hết thảy mà chẳng động.’’

Ngã quán nhất thiết pháp,
Giai tất đắc minh liễu,
Kim kiến ư Như Lai,
Quyết định vô hữu nghi.

’Hiện tại quán sát nhân duyên của tất cả các pháp, bất cứ là quán không, quán giả, quán trung, đều hoàn toàn minh bạch thấu rõ. Hiện tại thấy Phật Thích Ca Mâu Ni, tất cả pháp đều quyết định minh bạch, chẳng có nghi hoặc.’’

Pháp tuệ tiên dĩ thuyết,
Như Lai chân thật tánh,
Ngã tòng bỉ liễu tri,
Bồ-đề nan tư nghị.

Bồ Tát Pháp Huệ trước đã nói qua thật tướng diệu lý và vô tướng công năng của tất cả chư Phật. Bồ Tát Nhất Thiết Huệ, từ bài kệ của Bồ Tát Pháp Huệ khen ngợi, mà đã thấu rõ biết được diệu lý của bồ đề, chẳng thể suy tư, chẳng thể luận bàn.

Mười bài kệ ở trên là kệ thật tướng vô tướng