Định hay Tam muội là gì ? Nói đơn giản là tâm bất động, tâm cảnh hợp nhứt, do đó :
“Trong không tâm, ngoài không cảnh”.
Không tâm không cảnh, tức là định.
Tức cũng là :
“Mắt thấy hình sắc trong chẳng có
Tai nghe chuyện đời tâm chẳng hay”.
Đến được trình độ này thì : “Na Già thường tại định, không lúc nào chẳng định”, lúc này thật là tự tại, phiền não gì cũng chẳng còn nữa. Lúc này, “Một niệm không sinh toàn thể hiện”, Phật tánh vốn có sẽ hiện ra, nếu “Sáu căn dấy động bị mây che”. Con mắt nhìn thấy sắc trần, bèn báo cáo lên tâm vương rằng: Là đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, các màu sắc, thì thức phân biệt liền lộ ra. Lúc này, vô minh che mất chân tâm, thì trong tự tánh bị ràng buộc. Giống như, bầu trời ngàn dặm không mây, thì bầu trời trong xanh, hốt nhiên bị một vầng mây bay đến, che lấp ánh sang mặt trời, bèn mất đi ánh sáng mặt trời.
Tam muội chư Phật, nghĩa là nói tam muội của một vị Phật, tức là tam muội của tất cả vị Phật đều có; tam muội của tất cả vị Phật đều có, tức là tam muội của một vị Phật. Do đó :
“Một tam muội tức là tất cả tam muội,
Tất cả tam muội tức là một tam muội”.
Tam muội dịch là “Chánh định”, chánh định khác với tà định.
Tà định là gì ? Tức là định chẳng chánh đáng, là tà định của ngoại đạo, là cuồng huệ của ngoại đạo. Tuy nhiên ngoại đạo cũng có trí huệ, nhưng chẳng chân chánh, dễ nhập vào đường tà. Pháp của ngoại đạo giảng đều là tà tri tà kiến. Vừa nghe xong cảm thấy như có đạo lý, nhưng chẳng rốt ráo, về căn bản là sai. Sai chỗ nào ? Sai chỗ “Không thể đoạn dục khử ái”, vẫn chấp trước về ái dục, cho nên là pháp nhiễm ô, nên đoạ vào trong luân hồi, không thể liễu sinh thoát tử !
Chánh định là gì ? Tức là định chánh đáng, định thanh tịnh, là vua trong định.
Tư tưởng của Bồ Tát chỉ sợ chúng sinh khốn khổ, không sợ mình khốn khổ. Bồ Tát xả bỏ được cái mà người khác không xả bỏ được, nhẫn được điều mà người khác không nhẫn được, nhường được điều mà người khác không nhường được, thọ được cái mà người khác không thọ được. Ai có thể làm được trình độ này, thì người đó là Bồ Tát. Bồ Tát lại có thể bên ngoài thì xả bỏ đất nước vợ con, bên trong thì xả bỏ đầu mắt tuỷ não, ai làm được trình độ này thì người đó là đại Bồ Tát.
Tu Bồ Tát hạnh, tích tập đủ thứ căn lành, viên mãn lục độ vạn hạnh. Lục độ gồm có bố thí, trì giới, nhẫn nại, tinh tấn, thiền định, bát nhã (trí huệ). Nay giải thích sơ lược về lục độ vạn hạnh như sau:
Lục Độ
1. Bố thí là để trị lòng tham, tính keo kiệt. : Mọi người không thể xả mà bạn xả được, do đó
Đại hỉ đại xả tế hàm thức
Hàm thức tức là chúng sinh, xả bỏ rồi, tuyệt đối không hối hận. Ðiều nên biết là bố thí độ lòng keo kiệt. Phàm cái gì của ta, chúng ta đều không muốn bỏ ra cho người khác, chỉ muốn người khác cho mình mà thôi, đó là tánh keo kiệt. Nếu không chịu làm việc bố thí, thì tánh keo kiệt không bao giờ phá bỏ được, mà lại trở thành keo kiệt thêm. Phải xả bỏ cái của mình ra, phá bỏ tánh keo kiệt độ cho nó, thì con quỷ keo kiệt mới xấu hổ mà bỏ chạy.
– Ta thấy ai cùng khổ thì ta giúp đỡ, đó là tài thí;
– Ai không hiểu Phật pháp, mà ham tu học như người đói ham ăn, thì ta nói Phật pháp cho họ nghe khiến họ được hiểu rõ, đó là pháp thí;
– Hoặc thấy ai đương sợ hãi, không biết nương tựa vào đâu, ta bèn giúp đỡ, giải trừ cho họ mọi điều sợ hãi, đó là vô úy thí.
2. Trì giới độ làm việc quấy. Trì giới là biết giữ quy củ, đúng theo quy củ, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành (chẳng làm điều ác, làm mọi điều thiện). Bố thí là làm việc cho người, thuộc về ý nghĩa chúng thiện phụng hành. Trì giới thì thuộc về nghĩa chư ác mạc tác. Nếu quí vị làm bố thí rồi sau đó đi giết người, đốt nhà, ăn cướp, thì cũng là vô dụng. Nếu quí vị nói rằng tôi lấy của nhà giàu cho nhà nghèo, cướp của người có tiền để giúp người cùng khổ, là điều không thể làm được! Phải nhớ “chư ác mạc tác,” không làm một điều ác nào, làm hết thảy việc thiện, chấm dứt điều ác, đề phòng điều sai, cải sửa những việc lỗi lầm, những điều nào đúng thì phát triển thêm, lúc nào cũng giữ chánh niệm, đó là đại lược ý nghĩa của trì giới. Trì giới là biết giữ quy củ, theo đúng luật pháp, trong gia đình không có chuyện cãi nhau, ngoài quốc gia xã hội thì giữ phép nước, trên thế giới không làm phương hại đến chuyện của người. Như vậy là trì giới.
3. Nhẫn nại độ tức giận. Tức là nhẫn ! Nhẫn ! Nhẫn đến lúc không thể nhẫn, vẫn phải nhẫn, nhẫn mới có thể việc lớn hoá nhỏ, việc nhỏ hoá không. Ai ai cũng nhẫn được như thế, thì đến đâu cũng khó có thể tìm thị phi. Cổ đức có nói rằng : « Nhẫn tức nhẫn, nhiêu tức nhiêu, chữ nhẫn trên chữ tâm một cái dao ». Khi nhẫn thì giống như dao cắt trong tim, tuy đau đớn cũng phải nhẫn, do đó :
“Nhẫn phiến khắc, phong bình lãng tịnh”
Nghĩa là :
Nhẫn một chút, gió yên sóng lặng.
Việc thiên hạ bất hạnh, đều do không nhẫn được mà phát sinh. Tục ngữ có nói :
“Chịu nhẫn một thời, khỏi buồn trăm ngày”
Đó là nói về kinh nghiệm, tôi có thể làm bảo giám.
Tức giận thuộc hỏa, nhẫn nại thuộc thủy. Tánh chất của thủy là nhu hòa, tánh chất của hỏa là táo tợn. Chúng ta lên cơn tức giận, ngọn lửa vô minh vút lên cả ba ngàn trượng, tầng trời sơ thiền cũng chịu không nổi, cho nên ta phải tu hạnh nhẫn nại. Nói về nhẫn nại thì những điều nào nhẫn được không kể làm gì. Những điều nào chịu không nổi mà ta cũng cố nhẫn cho được, cái đó mới kể là nhẫn; chịu không nổi mà cũng ráng chịu, đấy mới thực sự tu hạnh nhẫn nhục. Chúng ta phải bắt chước ngài Di-lặc. Trông ngài, thân thì mập, bụng phệ, mà trong lòng chẳng chứa một chuyện gì, đúng là “bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai?” Cho nên Ngài lúc nào cũng tươi cười, hoan hỷ, Ngài tượng trưng cho công phu tu nhẫn nhục. Tu nhẫn nhục phải học Ngài Di-lặc. Chẳng phải giả dạng tươi cười, vì cười như vậy là gian, chẳng phải cười thực. Trong lòng có điều tức giận mà lại giảo hoạt làm ra bộ mặt khác để che dấu! Che dấu như vậy, đối với tín đồ Phật giáo là điều không nên. Bất luận vào lúc nào, trong trường hợp nào, bộ mặt của ta cũng phải chân thực chớ không thể giả dạng che dấu, đó mới là bộ mặt thực của tín đồ Phật giáo. Nếu che dấu bộ mặt thực của mình để lừa người khác, kết quả chính mình sẽ gặp điều không hay.
Ngoài xã hội thường thấy những chuyện như vậy. Lừa dối lẫn nhau, quí vị không thực lòng nói với tôi, tôi cũng không thực lòng nói với quí vị. Trong Phật giáo ta nên ngay thẳng thực thà, nói một là một, hai là hai; cái gì đúng thì bảo là đúng, cái gì không đúng thì bảo không đúng, chớ không thể biết rõ không đúng mà cứ cố biện bạch, đem cái lầm lỗi đẩy về phía người khác, như vậy là sai rồi. Quí vị không ngay thẳng, không chân thành, Bồ-tát sẽ không hoan hỷ, do đó chúng ta là người học Phật nhất định phải mang hết tấm lòng thực thà, thành tâm, từng giờ, từng khắc, cư xử sao cho chân thực, một chút xíu hư dối cũng không có. Ðành rằng tu nhẫn nhục là biểu thị một thái độ hoan hỷ, nhưng nếu trong lòng đương sục sôi giận dữ, như muốn đánh giết người ta mà bề ngoài thì giả dạng tươi cười, làm ra vẻ hiền lành dễ thương, cũng là sai rồi. Ðấy chẳng phải là nhẫn nhục, đó là giảo hạt, gian trá.
4. Tinh tấn độ sự lười biếng: Tức là không lười biếng, không giải đãi. Tinh tấn chẳng phải là nói ra rằng tôi tu hành đây, tôi tinh tấn đây, tôi đọc kinh, niệm Phật, lễ Phật, hay đăng tin trên báo chí tu như thế này, thế kia, chẳng phải như vậy. Tinh tấn là nói chính bản thân mình phải tinh tấn, thân tinh tấn, tâm tinh tấn, luôn luôn siêng năng, không lười biếng, từng giờ, từng khắc, không dối lòng, một niềm cung kính như khi đứng trước trời, Phật, đứng trước tôn sư, không dối mình, đó mới là tinh tấn. Lúc nào cũng canh cánh bên lòng một niềm tu học Phật pháp, nghĩ sao làm vậy, chớ không phải vừa lễ Phật xong miệng đã chửi mắng, tay đã cầm dao giết người, đó chẳng phải là tinh tấn, tu như vậy chỉ là giả bộ mà thôi.
Chúng ta người tu hành, mỗi người nhất định phải tụng niệm 42 thủ nhãn, sớm tối tụng một biến Chú Lăng Nghiêm, Chú Đại Bi, tụng càng nhiều thì càng có cảm ứng, có cảnh giới không thể nghĩ bàn. Những bài Chú khác đều có linh nghiệm như nhau, thử rồi sẽ biết. Người tu hành, tinh tấn càng tinh tấn, công đáo tự nhiên thành, đến lúc lư hoả thuần thanh, thì sẽ chứng được giải thoát. Lúc đó, thoát khỏi ba cõi, đến được cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ.
5. Thiền định độ tâm tán loạn: Tức là tĩnh lự, tức cũng là ngồi thiền nhập định. Thiền định giống như khai thác mỏ vàng, phải nỗ lực tìm cầu không ngừng, phải dụng công khai quật quặng mỏ. Đến thời, sẽ đắc được châu báu vô giá (minh tâm kiến tánh), trí huệ quang minh, tận hư không khắp pháp giới, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới.
Tại sao chúng ta phải tu thiền định? Bởi chúng ta bị tán loạn quá nhiều, làm cho tinh thần bị tiêu hao, lãng phí biết bao khí lực. Mắt của chúng ta thì nhìn, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân thì xúc chạm, ý thì duyên với các pháp, tất cả giác quan đều quay ra ngoài, khiến cho tinh thần phân tán ra ngoài thành tán loạn. Vậy ta phải làm sao? Phải tu thiền định. Thiền định chính là ngồi lại một nơi, mang tâm ý chìm lắng xuống, tình trạng giống như mang một bát nước đục, để tại một chỗ nhất định, chẳng đụng chạm tới, để bùn đục lắng dần xuống đáy bát, nước thành trong, trông thấy tận đáy. Nước trong suốt dụ cho trí huệ được hiển bày; khi nước còn đục là dụ cho tình trạng ngu si, bị vô minh làm vẩn đục, che mờ tất cả.
6. Bát Nhã: Tức là trí huệ. Trong tự tánh của mỗi người, đều có đại trí huệ, giống như chư Phật, không hai không khác, song mọi người đều không biết. Giống như ở dưới đất đều có vàng, không cách chi tìm cầu. Nếu muốn khai mở mỏ vàng, thì trước hết học cách khai mở mỏ vàng, bằng không thì giống như mò kim đáy biển, vĩnh viễn tìm không được mỏ vàng ở dưới đất.
Do đó chúng ta tu thiền định khiến cho trí huệ tăng trưởng dần; nếu có được định, tức trí huệ phát sanh; trí huệ phát sanh là có bát-nhã; bát-nhã chính là trí huệ, giúp chúng ta không hành động ngu si. Tại sao người ta cứ làm những chuyện phi pháp? Bởi lý do quá ngu si, không biết con đường chánh đáng. Không ngu si, chính là có trí huệ.
Vạn Hạnh
Bây giờ giảng về vạn hạnh. Các hạnh tu thật là nhiều, vô lượng vô biên, giảng không thể hết. Vạn hạnh nói về sự thực hành pháp môn. Ðây là những pháp môn thiện, không phải pháp môn ác. Số lượng các pháp môn thiện rất nhiều, kể không hết, nói tổng quát có thể gom lại trong câu “vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi” – chẳng vì điều thiện nhỏ mà bỏ qua không làm, chẳng vì điều ác nhỏ mà làm – tức là hết thảy mọi điều thiện nên làm, hết thảy điều ác phải tránh, giống như là trì giới, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.” Chúng thiện là các điều thiện, không nói rõ số mục là bao nhiêu, là rất nhiều, nên gọi là vạn hạnh.
Đạo lý mười thứ định:
1. Phổ quang minh tam muội.
2. Diệu quang minh tam muội.
3. Thứ đệ biến vãng chư Phật quốc độ thần thông tam muội.
4. Thanh tịnh thâm tâm hành tam muội.
5. Tri quá khứ trang nghiêm tạng tam muội.
6. Trí quang minh tạng tam muội.
7. Liễu tri nhất thiết thế gian Phật trang nghiêm tam muội.
8. Nhất thiết chúng sinh sai biệt thân tam muội.
9. Pháp giới tự tại tam muội.
10. Vô ngại luân tam muội.