Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta bỏ Ý Thức, tức thức thứ sáu, mà hãy dùng Diệu Quán Sát, bỏ thức thứ bảy để dùng Bình Đẳng Tánh, đó gọi là “bỏ Thức, dùng Căn”. Bỏ được thức thứ sáu và thứ bảy, quý vị mắt nhìn Sắc sẽ là do tánh Thấy mà thấy Sắc tánh. Đó gọi là “minh tâm kiến tánh”. Kiến tánh sẽ minh tâm. Quý vị thấy được Sắc tánh ở bên ngoài nên gọi là kiến tánh. Dùng tánh Nghe để nghe Thanh tánh, tánh Nghe cũng là minh tâm, nghe được Thanh tánh thì cũng gọi là kiến tánh. Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật!
“Tánh” là thể tánh, mức độ ý nghĩa của hai câu này khá sâu. “Cảnh giới” là sáu trần bên ngoài, bên trong là lục căn và lục thức. Toàn bộ những thứ ấy đều thuộc về cảnh giới. Trong khi lục căn của chúng ta tiếp xúc sáu trần, quý vị có thể thấy được tánh cảnh giới thì tốt lắm.
“Bỏ Thức dùng Căn như thế nào?” Đây là đạo lý nhất định. Làm như thế nào mới có thể thấy được Sắc tánh? Quý vị dùng tánh Thấy để thấy Sắc tánh, dùng tánh Nghe để nghe Thanh tánh. Những thứ ấy chẳng gọi là lục trần, mà gọi là lục tánh. Thiền gia nói “minh tâm kiến tánh” là nói về cảnh giới này. Minh tâm là thành tâm (tâm chân thành), tức là nhất tâm.
Quý vị phải hiểu: Nhất tâm là minh, nhị tâm là vô minh, là mê, là chẳng minh. Nhất tâm là minh; do vậy, nhất tâm thấy Sắc bên ngoài, sẽ thấy được Sắc tánh, chẳng phải Sắc trần. Sắc trần là gì? Trần có nghĩa là ô nhiễm; tánh chẳng ô nhiễm. Dùng nhất tâm để nghe, sẽ nghe Thanh tánh, chẳng phải là Thanh trần. Chỉ cần quý vị có thể dùng nhất tâm thì lục trần biến thành lục tánh, lục tánh là nhất tâm. Do vậy, gọi là minh tâm kiến tánh, “dẫn phát hiện hành” là kiến tánh. Kiến tánh chính là “tự ngã dĩ pháp nhũ” (dùng sữa pháp nuôi nấng ta),
“Trở về nhất tâm”: Vốn là nương vào một cái tinh minh mà chia thành sáu thứ hòa hợp, nay quay ngược sáu thứ hòa hợp trở về một cái tinh minh.
Đây là những câu trích từ kinh Lăng Nghiêm. “Nhất tinh minh” là nhất tâm của chính mình, “lục hòa hợp” là sáu căn. Chân tâm quý vị từ sáu căn khởi ra sáu thứ tác dụng khác nhau, nơi mắt gọi là thấy, nơi tai là nghe, nơi mũi là ngửi, nơi lưỡi là nếm; thật ra, chúng đều là tác dụng của nhất tâm. Nếu quý vị chẳng thấu hiểu ý nghĩa này thì chúng tôi nêu lên một tỷ dụ để quý vị dễ hiểu! Thí như điện từ nhà máy điện phát ra là một, chẳng có gì khác nhau, nhưng điện ở nơi đèn thì tỏa sáng. Đèn là một khí cụ, nó khởi tác dụng là ánh sáng. Nơi máy thâu âm, điện khiến cho máy thâu lại âm thanh của chúng ta. Tại máy sưởi điện thì nó tỏa nhiệt. Tùy theo đồ vật khác nhau mà điện khởi tác dụng khác nhau. Tuy khởi tác dụng khác nhau, nhưng đều là một dòng điện, tuyệt đối chẳng thể nói điện tỏa sáng và điện nơi máy thâu âm là hai thứ, chẳng phải là một! Không có đạo lý ấy!
Tác dụng nơi sáu căn của chúng ta quả thật là một, không hai, nó là chân tâm. Mắt của chúng ta giống như đèn, tai giống như máy thâu âm, dòng điện khởi tác dụng tại những nơi đó. Vì thế nói là “nguyên y nhất tinh minh, phân thành lục hòa hợp”, tại sáu căn khởi sáu thứ tác dụng khác nhau; tuy khởi sáu thứ tác dụng khác nhau, nhưng phải biết chúng hoàn toàn là nhất tâm.
“Kim phản lục hòa hợp, hoàn quy nhất tinh minh”: Nay chúng ta quay đầu lại, hợp sáu cái tâm nơi sáu căn này thành một, “thành tâm” (tâm chân thành) bèn hiện tiền. Nhất tâm phân tán nơi sáu căn, đó là tách rời ra; hiện thời chúng lại được quy nhất, biểu thị chí thành, biểu thị cung kính, đấy là ý nghĩa “hoàn quy nhất tâm”.