Tịnh Hoá Ngũ Trược Trong Thân

Những kinh khác nói về ngũ trược trong phạm trù thế giới, còn ở đây ngũ trược được giải thích trong phạm trù thân thể của mình. Thực vậy, cái hỗn trược bên ngoài sở dĩ có là do ngũ trược bên trong. Vì vậy nên quý vị nên tịnh hoá các ngũ trược cụ thể hữu hình, thì các ngũ trược bên ngoài sẽ được tiêu trừ.

Kiếp Trược

Kinh văn:  A-nan, nhữ kiến hư không biến thập phương giới, không kiến bất phân. Hữu không vô thể hữu kiến vô giác. Tương chức vọng thành. Thị đệ nhất trùng, danh vi kiếp trược.

Giảng: A-nan, ông thấy hư không khắp cả mười phương thế giới, mà chẳng thấy phân ra hư không và tánh thấy. Ông có thể phân biệt ra cái nào là tánh thấy, cái nào là hư không chăng? Có một đường vạch ngang giữa tánh thấy và hư không hay sao? Có nghĩa là tánh thấy và hư không là một và đồng nhất. Quý vị có thể nhìn thấy, nhưng cơ bản là không có ‘vật’ để thấy. Tánh thấy chính là hư không và hư không là tánh thấy. Tuy có hư không mà không có thực thể – “Thể của nó chính là hư không,” có người lý luận. Được rồi, thế thì hãy giữ cái thể ấy rồi đưa tôi xem.

Quý vị chẳng nắm bắt được nó. Rốt ráo trong đó chẳng có gì cả. Tánh thấy chính là ở trong hư không. Nhưng sẽ không bao giờ có chút nào sự chống trái nhau giữa hư không và tánh thấy. Dù nó đang hiện hữu, nhưng tánh thấy không bao giờ đòi hỏi hư không phải di tản đi nơi khác. Không có sự xung đột nào giữa hai thứ ấy. Mặc dù bây giờ là thời mạt pháp, là thời kỳ đấu tranh kiên cố, nhưng hư không và tánh thấy chẳng có chút bất hòa nào.

Có tánh thấy mà không có tánh biết. Tánh thấy tự nó vắng bặt cái biết; tánh biết nằm trong chính mình, chứ không nằm trong tánh thấy của quý vị và ngược lại. Trong trường hợp nầy, ở đâu có hư không thì không có thực thể và có tánh thấy thì không có cái biết. Hai bên đã đan dệt với nhau mà thành. Đây là lớp thứ nhất, gọi là kiếp trược. Đó là cách thức mà kiếp, được hình thành. Người thế gian không có việc gì để làm nên ném ít đất bụi vào trong nước; và bây giờ quý vị đã bị hòa lẫn tánh thấy của mình với hư không cũng tương tự nhau. Kết quả là tạo nên kiếp trược. Chữ kiếp có gốc tiếng Sanskrit là kalpa, dịch nghĩa là thời phần.

 

Kiến Trược

Kinh văn:  Nhữ thân hiện đoàn tứ đại vi thể, kiến văn giác tri ủng linh lưu ngại. Thủy hỏa phong thổ triền linh giác tri. Tương chức vọng thành. Thị đệ nhị trùng danh vi kiến trược.

Giảng: Thân ông hiện bám lấy tứ đại làm tự thể. Ông không có được tự do, vì tứ đại đã hợp thành thân thể ông rồi. Cùng với sự kết hợp nầy, là sự hình thành nên các tánh thấy nghe hay biết. Bốn yếu tố nầy đã khiến cho các tánh thấy nghe hay biết ấy bị ngăn ngại. Trở lại làm cho các thứ đất nước lửa gió thành ra có cái hay biết. Nó chạy tới chạy lui, và một nhận thức sai lầm sanh khởi. Khi điều ấy xảy ra, các thứ đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ hai gọi là kiến trược. Các nhận thức sai lầm lại giao xen với nhau tạo nên nhận thức sai lầm khác, đó là kiến trược.

 

Phiền Não Trược

Kinh văn:  Hựu nhữ tâm trung, ức thức tụng tập, tánh phát tri kiến. Dung hiện lục trần. Li trần vô tướng, li giác vô tánh. Tương chức vọng thành. Thị đệ tam trùng danh phiền não trược.

Giảng: Lại nữa, trong tâm ông do sự nhớ biết học tập mà tánh phát ra thấy biết. Tụng tập hay học tập ở đây có nghĩa là học tập nghiệp chướng cả kinh điển Phật pháp lẫn kinh luận thế gian. Dung nạp sáu trần. Những tác dụng nầy làm thành cái thấy biết–nhận biết được những thứ vốn mình chưa hề hay biết–và quan niệm, nhận thức–hiểu những điều mà mình chưa từng hiểu. Nhưng kiến thức thu thập được từ sách vở lại thuộc về trí thế gian, chưa phải là rốt ráo, chưa phải là sự khai mở chân thực của tự tánh.

Khi mình đã có hiểu biết, thì sáu trần–sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp–liền thành hình. Rời tiền trần thì không có tướng. Nếu quý vị tách rời trần lao ra, thì chẳng có thực thể hoặc tướng trạng. Rời cái biết thì không có tánh. Đan dệt nhau, hư dối mà thành. Nếu chúng không kết hợp với nhau, thì chẳng có gì hư vọng. Một khi đã có chân thì liền có vọng. Không có chân thì không có vọng. Khi có vọng, thì sẽ có chân. Chân và vọng là hai khái niệm đối đãi, thuộc phạm trù tương đối.

Như Lão Tử đã từng nói:
Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa,
Trí huệ xuất, hữu đại nguỵ,
Lục thân bất hòa, hữu hiếu từ,
Quốc gia hôn loạn, hữu trung thần.

Khi đại đạo đã tiêu trầm thì người ta mới nói về nhân nghĩa. Khi đại đạo vẫn còn lưu hành thì chẳng có ai cần đến điều nhân nghĩa. Khi mọi người đang tu đạo, ai cũng biết rõ là không nên làm cho người khác sinh khởi phiền não. Mọi người đều biết phải tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác, thế nên không cần phải nói về nhân nghĩa nữa.

Khi con người đều thông minh trên mức trung bình một tí, thì chẳng có ai trong đó có thể lừa gạt người khác. Chỉ khi nào có người thông minh xuất hiện và nhận thấy rằng những người chung quanh mình sao quá ngu mê. Do sự so sánh như vậy, họ liền quyết định làm trò lừa dối các người kia, ngoại trừ những người thông minh như họ ra, chẳng có ai nhận biết được chuyện đó. Thế nên khi có kẻ thông minh xuất hiện, thì có sự xảo trá hư nguỵ. Nếu họ thực hành đạo ngũ luân, năm đạo lý tôn trọng lẫn nhau giữa:

1. Vua và quần thần.
2. Cha và con.
3. Vợ và chồng.
4. Anh và em.
5. Bằng hữu,

Chẳng có ai đả động tới chuyện cha hiền con hiếu. Nhưng khi cha không hiền, con phải tỏ ra có hiếu hơn; thì đây là lúc chữ hiếu được nói tới. Hoặc nếu khi con bất hiếu, thì cha phải càng hiền từ hơn. Do vậy, ‘khi lục thân bất hòa, thì mới cần người con có hiếu.”

Làm sao có thể biết được ai là trung thần trong thời kỳ đất nước yên bình? Ai là người phản nghịch? Khi đất nước yên bình những kẻ trung thàn không bao giờ mang áp phích cổ động với dòng chữ “trung thần,” cũng không ai chụp vào mình cái mũ phản quốc. Nhưng khi quốc gia bị xáo trộn, lòng trung thành trong mỗi vị trung thần tự nổi dậy. Đó là lý do tại sao người thời nay đánh giá rất cao Nhạc Phi 岳飛. Vì khi đất nước bị xâm lăng, ông dám đương đầu chống trả.

Đạo lý trong đoạn kinh nầy cũng giống như điều của Lão Tử muốn nói. Nếu chỉ có một yếu tố, thì sẽ không có gì trở nên hỗn trược. Nhất chân pháp giới, hoặc Như Lai tạng, hoặc hư không–không bao giờ sinh khởi thành hỗn trược. Nhưng vì chúng kết hợp với nhau và hình thành một khối, nên hư vọng sanh khởi. Điều nầy chứng minh rằng trong mọi pháp, đều có cái chân cái nguỵ, cái giả cái thật.

Thế nên, ngay cả trong Như Lai tạng, cũng có cái hư vọng phát sinh từ cái chân thật. Cũng tương tự như vậy, trong thân thể con người vốn là vật hữu hình, thể rắn; nhưng bên cạnh đó chúng ta còn có một cái bóng. Trong pháp ẩn dụ, cái bóng biểu tượng cho hư vọng sinh khởi từ cái chân thật; cái bóng biểu tượng cho vô minh. Từ vô minh mà các vấn đề khác phát sinh. Và ở đây, cái hư vọng phát sinh từ lớp thứ ba, được gọi là phiền não trược.

 

Chúng Sanh Trược

Kinh văn: Hựu nhữ triêu tịch, sanh diệt bất đình. Tri kiến mỗi dục lưu ư thế gian, nghiệp vận mỗi thường thiên ư quốc độ. Tương chức vọng thành. Thị đệ tứ trùng, danh chúng sanh trược.

Giảng: Lại nữa, tâm ông sớm chiều sanh diệt không ngừng. Niệm tưởng của ông sanh rồi diệt suốt ngày không hề dừng nghỉ. Cái thấy biết thì cứ muốn lưu mãi ở thế gian. Cái thấy biết ở đây chỉ cho ý muốn của quý vị, vẫn thích lưu lại mãi ở thế gian nầy. Quý vị muốn bất tử. Quý vị muốn lưu lại nơi nầy mãi mãi và không bao giờ chết, mà nghiệp báo chuyển vần luôn luôn đổi dời từ cõi nầy đến cõi khác. Cái thân nghiệp báo của quý vị đi đầu thai từ cõi nầy đến cõi khác, từ đời nầy đến đời kia. Những điều đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ tư gọi là chúng sinh trược. Vì tâm tưởng của quý vị luôn luôn tương tục sanh và tương tục diệt, cũng giống như những chúng sinh tương tục sống chết. Do vậy, gọi là chúng sanh trược.

 

Mạng Trược

Kinh văn:  Nhữ đẳng kiến văn nguyên vô dị tánh, chúng trần cách việt, vô trạng dị sanh. Tánh trung tương tri, dụng trung tương bối. Đồng dị thất chuẩn, tương chức vọng thành. Thị đệ ngũ trùng, danh vi mạng trược.

Giảng: A-nan và tất cả các ông đều chưa chứng được quả vô lậu, cái thấy nghe của ông vốn chẳng phải là tánh nào khác. Chúng chẳng phải là hai thứ xuất phát từ hai nguồn. Chúng là một và đồng nhất. Do các trần cách trở nên bỗng nhiên trở thành khác. Tánh thì vẫn biết nhau, nhưng trong phần dụng thì trái nghịch nhau. Tánh thấy và tánh nghe cùng chia nhau một nguồn hiểu biết chung. Nghĩa ở đây là:

Nguyên y nhất tinh minh
Phân thành lục hòa hợp.

Thế nên chân tánh sáng suốt có một cái biết chung, nhưng chức năng, tác dụng của sáu thứ thì khác nhau. Sự phân chia thành sáu phương diện gây ra những tác dụng khác nhau mà lại trái nghịch nhau. Mắt có thể thấy chứ không thể nghe. Tai có thể nghe chứ không thể thấy. Mũi có thể ngửi chứ không nghe, không thấy được. Lưỡi có thể nếm biết mùi vị chứ không thấy nghe, ngửi được. Cái đồng cái khác mất hẳn chuẩn đích. Nó không có tính nhất định. Vì sáu căn mất hẳn tính đồng nhất với nhau, nên tác dụng của nó cũng mất hẳn tính chính xác. Nó vốn không đồng không khác, nhưng nhìn qua hai phương diện, thấy thiếu sự phân định rõ ràng dứt khoát. Do vậy nên nói, “Cái đồng cái khác mất hẳn chuẩn đích.”

Cùng đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ năm, gọi là mạng trược.