Phật tử! vân hà vi Bồ-Tát Ma-ha-tát tri quá khứ trang nghiêm tạng tam muội?
Phật tử ! Thế nào là tam muội Biết quá khứ trang nghiêm tạng của đại Bồ Tát ?
Giảng: Bồ Tát Phổ Hiền lại gọi một tiếng các vị đệ tử của Phật ! Thế nào gọi là tam muội biết quá khứ trang nghiêm tạng của đại Bồ Tát tu ?
Phật tử! thử Bồ-Tát Ma-ha-tát năng tri quá khứ chư Phật xuất hiện, sở vị: kiếp thứ đệ trung chư sát thứ đệ, sát thứ đệ trung chư kiếp thứ đệ, kiếp thứ đệ trung chư Phật xuất hiện thứ đệ, Phật xuất hiện thứ đệ trung thuyết Pháp thứ đệ, thuyết Pháp thứ đệ trung chư tâm lạc thứ đệ, tâm lạc thứ đệ trung chư căn thứ đệ, căn thứ đệ trung điều phục thứ đệ, điều phục thứ đệ trung chư Phật thọ mạng thứ đệ, thọ mạng thứ đệ trung tri ức na-do-tha niên tuế số lượng thứ đệ.
Phật tử ! Đại Bồ Tát này biết chư Phật quá khứ xuất hiện. Đó là : Trong kiếp thứ tự, các cõi thứ tự. Trong cõi thứ tự, các kiếp thứ tự. Trong kiếp thứ tự, chư Phật xuất hiện thứ tự. Trong Phật xuất hiện thứ tự, nói pháp thứ tự. Trong sự nói pháp thứ tự, các tâm ưa thích thứ tự. Trong tâm ưa thích thứ tự, các căn thứ tự. Trong căn thứ tự, điều phục thứ tự. Trong sự điều phục thứ tự, chư Phật thọ mạng thứ tự. Trong sự thọ mạng thứ tự, biết ức Na do tha năm tuổi số lượng thứ tự.
Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Vị đại Bồ Tát này tu hành, viên mãn lục độ vạn hạnh, tích tập đủ thứ căn lành. Biết chư Phật quá khứ xuất hiện ra đời. Lại biết trong kiếp quá khứ thứ tự, cõi nước chư Phật thứ tự. Ở trong cõi nước chư Phật thứ tự, hết thảy kiếp thứ tự, biết rõ với nhau. Lại biết thứ tự ở trong kiếp đó, thứ tự có vị Phật nào xuất hiện ra đời. Ở trong vị Phật nào xuất hiện thứ tự, vị đó nói pháp thứ tự. Trước hết nói pháp gì ? Sau đó nói pháp gì ? Đều biết rõ hết. Ở trong việc Phật nói pháp thứ tự, lại biết tất cả tâm hoan hỉ thứ tự. Ở trong tất cả tâm hoan hỉ thứ tự, lại biết tất cả các căn thứ tự. Ở trong tất cả các căn thứ tự, biết dùng phương pháp gì để thứ tự điều phục chúng sinh. Ở trong sự thứ tự điều phục chúng sinh, biết chư Phật thọ mạng thứ tự. Trong sự thọ mạng thứ tự của chư Phật, biết ức Na do tha năm tuổi số lượng thứ tự.
Phật tử! thử Bồ-Tát Ma-ha-tát đắc như thị vô biên thứ đệ trí cố, tức tri quá khứ chư Phật, tức tri quá khứ chư sát, tức tri quá khứ chư Pháp môn, tức tri quá khứ chư kiếp, tức tri quá khứ chư Pháp, tức tri quá khứ chư tâm, tức tri quá khứ chư giải, tức tri quá khứ chư chúng sanh, tức tri quá khứ chư phiền não, tức tri quá khứ chư nghi thức, tức tri quá khứ chư thanh tịnh.
Phật tử ! Vì đại Bồ Tát này đắc được vô biên trí huệ thứ tự như vậy : Nên biết chư Phật quá khứ, nên biết các cõi quá khứ, nên biết pháp môn quá khứ, nên biết các kiếp quá khứ, nên biết các pháp quá khứ, nên biết các tâm quá khứ, nên biết các sự hiểu biết quá khứ, nên biết các chúng sinh quá khứ, nên biết các phiền não quá khứ, nên biết các nghi thức quá khứ, nên biết các thanh tịnh quá khứ.
Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Do vị đại Bồ Tát này, đắc được vô biên đại trí huệ thứ tự, nên biết tất cả chư Phật quá khứ, nên biết cõi nước chư Phật quá khứ, nên biết pháp môn quá khứ của chư Phật nói, nên biết các kiếp quá khứ, nên biết pháp quá khứ của chư Phật nói, nên biết tất cả tâm chúng sinh quá khứ, nên biết các sự hiểu biết quá khứ của tất cả chúng sinh minh bạch, nên biết các chúng sinh quá khứ là căn tánh gì, nên biết tất cả chúng sinh quá khứ có phiền não gì, nên biết tất cả nghi thức Phật pháp quá khứ, nên biết pháp môn thanh tịnh quá khứ chư Phật nói.
Phật tử! thử tam muội danh: quá khứ thanh tịnh tạng, ư nhất niệm trung, năng nhập bách kiếp, năng nhập thiên kiếp, năng nhập bách thiên kiếp, năng nhập bách thiên ức na-do-tha kiếp, năng nhập vô số kiếp, năng nhập vô lượng kiếp, năng nhập vô biên kiếp, năng nhập vô đẳng kiếp, năng nhập bất khả số kiếp, năng nhập bất khả xưng kiếp, năng nhập bất khả tư kiếp, năng nhập bất khả lượng kiếp, năng nhập bất khả thuyết kiếp, năng nhập bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp.
Phật tử ! Tam muội này gọi là Quá khứ thanh tịnh tạng. Ở trong một niệm, vào được trăm kiếp, vào được ngàn kiếp, vào được trăm ngàn kiếp, vào được trăm ngàn ức Na do tha kiếp, vào được vô số kiếp, vào được vô lượng kiếp, vào được vô biên kiếp, vào được vô đẳng kiếp, vào được bất khả số kiếp, vào được bất khả xưng kiếp, vào được bất khả tư kiếp, vào được bất khả lượng kiếp, vào được bất khả thuyết kiếp, vào được bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp.
Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Tam muội này tên gọi là Quá khứ thanh tịnh tạng. Ở trong một niệm, vào được trăm kiếp, vào được ngàn kiếp, vào được trăm ngàn kiếp, vào được trăm ngàn ức na do tha kiếp. Lại vào được vô số kiếp, vào được vô lượng kiếp, vào được vô biên kiếp, vào được vô đẳng kiếp. Lại vào được bất khả số kiếp, vào được bất khả xưng kiếp, vào được bất khả tư kiếp, vào được bất khả lượng kiếp, vào được bất khả thuyết kiếp, vào được bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp.
Phật tử! bỉ Bồ-Tát Ma-ha-tát nhập thử tam muội, bất diệt hiện tại, bất duyên quá khứ.
Phật tử ! Đại Bồ Tát đó vào tam muội này, chẳng diệt hiện tại, chẳng duyên quá khứ.
Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Đại Bồ Tát đó, vào tam muội này, chẳng diệt thời gian hiện tại, cũng chẳng duyên thời gian quá khứ.
Phật tử! bỉ Bồ-Tát Ma-ha-tát tòng thử tam muội khởi, ư Như Lai sở thọ thập chủng bất khả tư nghị quán đảnh Pháp, diệc đắc, diệc thanh tịnh, diệc thành tựu, diệc nhập, diệc chứng, diệc mãn, diệc trì, bình đẳng liễu tri tam luân thanh tịnh.
Phật tử ! Đại Bồ Tát đó từ tam muội này khởi, ở chỗ Như Lai, thọ mười pháp quán đảnh không thể nghĩ bàn. Cũng đắc được, cũng thanh tịnh, cũng thành tựu, cũng nhập vào, cũng chứng được, cũng viên mãn, cũng thọ trì, bình đẳng biết rõ, tam luân thanh tịnh.
Giảng: Các vị đệ tử của Phật !Vị đại Bồ Tát đó từ tam muội này xuất định, ở trong đạo tràng của Phật, thọ mười pháp quán đảnh không thể nghĩ bàn. Pháp đó phân biệt có hình và không có hình. Quán đảnh có hình, tức là lúc thái tử kế thừa ngôi vua, cử hành nghi thức, một số phàm phu đều nhìn thấy được. Quán đảnh vô hình, tức là lúc Bồ Tát kế thừa Pháp Vương tử vị, mười phương chư Phật đều đến quán đảnh. Nghi thức đó một số phàm phu không cách chi nhìn thấy được. Vị Bồ Tát đó thọ quán đảnh vô hình, chỉ có Phật và Bồ Tát đương sự mới biết với nhau được. Bồ Tát chưa đạt đến trình độ này, cũng chẳng cách chi biết được.
Vị đại Bồ Tát đó, đắc được mười pháp quán đảnh rồi, lập tức cũng đắc được, lập tức cũng thanh tịnh, lập tức cũng thành tựu, cũng vào định này, cũng chứng định lực này, cũng viên mãn Bồ Tát đạo, cũng tu trì tất cả Phật pháp, cũng bình đẳng, cũng biết rõ, tam luân cũng thanh tịnh. Tam luân là gì ? Tức là người thí, người thọ, vật thí. Có bài kệ rằng :
“Người thí, kẻ nhận và vật thí
Ở trong ba đời vô sở đắc
Chúng ta an trụ tâm tối thắng
Cúng dường tất cả mười phương Phật”.
Đó là tam luân thanh tịnh.
Hà đẳng vi thập? nhất giả biện bất vi nghĩa, nhị giả thuyết Pháp vô tận, tam giả huấn từ vô thất, tứ giả lạc thuyết bất đoạn, ngũ giả tâm vô khủng úy, lục giả ngữ tất thành thật, thất giả chúng sanh sở y, bát giả cứu thoát tam giới, cửu giả thiện căn tối thắng, thập giả điều ngự diệu pháp.
Những gì là mười ? Một là biện luận chẳng trái nghĩa. Hai là thuyết pháp vô tận. Ba là huấn từ không lỗi. Bốn là lạc thuyết không dứt. Năm là tâm không sợ hãi. Sáu là lời quyết thành thật. Bảy là chỗ nương tựa của chúng sinh. Tám là cứu thoát ba cõi. Chín là căn lành tối thắng. Mười là điều ngự diệu pháp.
Giảng: Những gì là mười pháp quán đảnh?
1. Biện không trái nghĩa: Lời lẽ của Bồ Tát nói, đạo lý giảng giải chẳng trái với tông chỉ, chẳng trái với nghĩa lý, là chánh quyết không ngoa.
2. Thuyết pháp vô tận: Bất cứ Bồ Tát nói pháp gì, đạo lý đều không cùng tận, càng nói càng nhiều, vĩnh viễn nói không hết.
3. Huấn từ không lỗi: Lời lẽ Bồ Tát dạy bảo, rất chánh quyết có đạo lý, tuyệt đối không nói những lời không hợp tình hợp lý.
4. Lạc thuyết không dứt: Bồ Tát thường muốn vì chúng sinh nói không gián đoạn.
5. Tâm không sợ hãi: Khi Bồ Tát nói pháp, bất cứ gặp bậc đại đức đáng sợ nào, tâm của Ngài cũng không sợ hãi.
6. Lời quyết thành thật: Lời lẽ của Bồ Tát nói, nhất định chân thật thành khẩn, tuyệt đối không có hư nguỵ.
7. Bảy là chỗ nương tựa của chúng sinh: Bồ Tát làm chỗ nương tựa của chúng sinh.
8. Tám là cứu thoát ba cõi: Bồ Tát hay cứu thoát tất cả chúng sinh ba cõi, lìa khổ được vui, chấm dứt sinh tử.
9. Chín là căn lành tối thắng: Căn lành của Bồ Tát thù thắng nhất.
10. Mười là điều ngự diệu pháp: Bồ Tát thao thao bất tuyệt, rộng nói diệu pháp. Ngài điều ngự được tất cả diệu pháp, chi phối được tất cả diệu pháp, vận dụng được tất cả diệu pháp.
Phật tử! thử thị thập chủng quán đảnh Pháp. Nhược Bồ Tát nhập thử tam muội, tùng tam muội khởi, Vô gián tức đắc. Như Ca la lá nhập thai tạng thời, ư nhất niệm gian thức tức thác sanh; Bồ-Tát Ma-ha-tát diệc phục như thị, tòng thử định khởi, ư Như Lai sở, nhất niệm tức đắc thử thập chủng Pháp.
Phật tử ! Đó là mười pháp quán đảnh. Nếu Bồ Tát vào tam muội này, từ tam muội khởi, không gián đoạn liền đắc được. Như Ca la la, khi nhập thai tạng thì trong khoảng một niệm, thức liền thác sinh. Đại Bồ Tát cũng lại như thế, từ định này khởi, ở chỗ Như Lai, một niệm liền được mười thứ pháp này.
Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Đó là mười thứ diệu pháp quán đảnh. Nếu Bồ Tát vào tam muội này, từ tam muội xuất định, chẳng có gián đoạn, liền chứng được. Giống như Ca la la, khi nhập thai tạng, trong khoảng một niệm, thức liền từ trong thai thác sinh. Đại Bồ Tát cũng lại như thế, từ tam muội xuất định, ở tại đạo tràng của Phật, trong khoảng một niệm, liền đắc được mười thứ pháp môn quán đảnh này.
Phật tử! thị danh Bồ-Tát Ma-ha-tát đệ ngũ tri quá khứ trang nghiêm tạng Đại tam muội thiện xảo trí.
Phật tử ! Đó gọi là đại tam muội Trí thiện xảo biết quá khứ trang nghiêm tạng thứ năm của đại Bồ Tát.
Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! Đó là đại tam muội Trí thiện xảo biết quá khứ trang nghiêm tạng thứ năm của đại Bồ Tát tu.