Phổ Quang Minh Tam Muội

Phật tử! thử Bồ-Tát Ma-ha-tát hữu thập chủng nhập Đại tam muội thiện xảo trí. Hà giả vi thập? Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát dĩ tam thiên đại thiên thế giới vi nhất liên hoa, hiện thân biến thử liên hoa chi thượng kết già phu tọa, thân trung phục hiện tam thiên đại thiên thế giới, kỳ trung hữu bách ức tứ thiên hạ, nhất nhất tứ thiên hạ hiện bách ức thân, nhất nhất thân nhập bách ức bách ức tam thiên đại thiên thế giới, ư bỉ thế giới nhất nhất tứ thiên hạ hiện bách ức bách ức Bồ Tát tu hành, nhất nhất Bồ Tát tu hành sanh bách ức bách ức quyết định giải, nhất nhất quyết định giải lệnh bách ức bách ức căn tánh viên mãn, nhất nhất căn tánh thành bách ức bách ức Bồ Tát Pháp bất thoái nghiệp. Nhiên sở hiện thân phi nhất phi đa, nhập định, xuất định vô sở thác loạn. Phật tử ! Đại Bồ Tát này có mười thứ trí thiện xảo vào tam muội. Thị vi thập.

Phật tử ! Đại Bồ Tát dùng ba ngàn đại thiên thế giới làm một hoa sen. Hiện thân  ngồi kiết già khắp trên hoa sen này. Trong thân lại hiện ba ngàn đại thiên thế giới, trong đó có trăm ức tứ thiên hạ. Mỗi mỗi tứ thiên hạ, hiện trăm ức thân. Mỗi mỗi thân, vào trăm ức trăm ức ba ngàn đại thiên thế giới. Nơi thế giới đó, mỗi mỗi tứ thiên hạ, hiện trăm ức trăm ức Bồ Tát tu hành. Mỗi mỗi Bồ Tát tu hành, sinh trăm ức trăm ức quyết định giải. Mỗi mỗi quyết định giải, khiến cho trăm ức trăm ức căn tánh viên mãn. Mỗi mỗi căn tánh, thành trăm ức trăm ức pháp nghiệp bất thối của Bồ Tát. Những thân đã hiện đó, chẳng phải một, chẳng phải nhiều, nhập định, xuất định, không có lầm loạn. Những gì là mười ? 

Giảng: Các vị Phật tử ! Vị đại Bồ Tát này lại có mười thứ trí huệ thiện xảo vào đại tam muội. Những gì là mười ? Các vị đệ tử của Phật ! Các vị phải chú ý nghe, vị đại Bồ Tát này tu hành Bồ Tát đạo, viên mãn lục độ vạn hạnh, tích tụ đủ thứ căn lành.
1. Dùng ba ngàn đại thiên thế giới làm một đoá hoa sen lớn.
2. Hiện thân ngồi kiết già khắp trên hoa sen lớn này.
3. Tại thân tướng của Bồ Tát lại hiện ra ba ngàn đại thiên thế giới.
4. Trong đó có trăm ức tứ thiên hạ (bốn đại châu).
5. Mỗi tứ thiên hạ, hiện ra trăm ức thân.
6. Mỗi mỗi thân, vào trăm ức trăm ức ba ngàn đại thiên thế giới.
7. Ở trong những thế giới đó, mỗi tứ thiên hạ, hiện ra trăm ức trăm ức Bồ Tát đang ở đó tu hành.
8. Mỗi vị Bồ Tát tu hành, sinh ra trăm ức trăm ức quyết định trí huệ giải.
9. Mỗi quyết định trí huệ giải, khiến cho trăm ức trăm ức căn tánh viên mãn, mà thành Phật đạo.
10. Mỗi căn tánh, thành tựu trăm ức trăm ức pháp nghiệp bất thối của Bồ Tát.

Bồ Tát hiện những thân đó, cũng chẳng phải một, cũng chẳng phải nhiều, cũng là một, cũng là nhiều, một nhiều viên dung vô ngại. Hoặc người nhập định, hoặc xuất định, không có lầm loạn nhau, đều có thứ tự.

Phật tử! như La-hầu A-tu-la Vương, bản thân trưởng thất bách do-tuần, hóa hình trưởng thập lục vạn bát thiên do-tuần, ư Đại hải trung xuất kỳ bán thân, dữ Tu-di sơn nhi chánh tề đẳng.

Phật tử! bỉ A-tu-la Vương tuy hóa kỳ thân trưởng thập lục vạn bát thiên do-tuần, nhiên diệc bất hoại bản thân chi tướng, chư uẩn, giới, xứ tất giai như bổn, tâm bất thác loạn, bất ư biến hóa thân nhi tác tha tưởng, ư kỳ bản thân sanh phi kỷ tưởng, bổn thọ sanh thân hằng thọ chư lạc, hóa thân thường hiện chủng chủng tự tại thần thông uy lực.

Phật tử ! Như La Hầu A Tu La Vương, bổn thân cao bảy trăm do tuần. Hoá thân cao đến mười sáu vạn tám ngàn do tuần, đứng ở trong biển lộ nửa thân, cao ngang bằng núi Tu Di. 

Phật tử ! A Tu La Vương đó, tuy hoá thân như thế, cao mười sáu vạn tám ngàn do tuần, mà cũng không hoại tướng bổn thân. Các uẩn giới xứ đều như cũ, tâm chẳng lầm loạn. Nơi thân biến hoá không nghĩ là thân người khác, cũng không nghĩ bổn thân đó chẳng phải thân mình. Vốn thọ sinh thân, luôn thọ các sự an vui. Hoá thân thường hiện đủ thứ tự tại thần thông oai lực.

Giảng: Các vị đệ tử ! Ví như La Hầu A Tu La Vương, bổn thân cao bảy trăm do tuần (tiểu do tuần là bốn mươi dặm, trung do tuần là sáu mươi dặm, đại do tuần là tám mươi dặm), biến hoá thân hình cao mười sáu vạn tám ngàn do tuần, đứng ở trong biển mới tới nửa thân, cao ngang bằng núi Tu Di.

Các vị Phật tử ! Biến hoá thân của La Hầu A Tu La Vương, tuy cao mười sáu vạn tám ngàn do tuần, nhưng cũng không thể hư hoại thân cũ. Năm uẩn, mười tám giới, mười hai xứ, đều giống như thân cũ. Tâm cũng không lầm loạn, không thể vì có sự biến hoá thân, mà nghĩ tưởng là người khác. A Tu La Vương cũng không đối với bổn thân, nghĩ chẳng phải là thân mình, A Tu La Vương chẳng có tư tưởng điên đảo như thế. Vốn thọ sinh thân, thường thọ tất cả các an vui. Thân biến hoá luôn hiện ra đủ thứ tự tại, đủ thứ thần thông, đủ thứ oai lực, đều là cảnh giới không thể nghĩ bàn.

 

Phật tử! A-tu-la Vương hữu tham, nhuế, si, cụ túc kiêu mạn, thượng năng như thị biến hiện kỳ thân; hà huống Bồ-Tát Ma-ha-tát năng thâm liễu đạt tâm Pháp như huyễn, nhất thiết thế gian giai tất như mộng, nhất thiết chư Phật xuất hưng ư thế giai như ảnh tượng, nhất thiết thế giới do như biến hóa, ngôn ngữ âm thanh tất giai như hưởng, kiến như thật Pháp, dĩ như thật Pháp nhi vi kỳ thân, tri nhất thiết pháp bổn tánh thanh tịnh, liễu tri thân tâm vô hữu thật thể, kỳ thân phổ trụ vô lượng cảnh giới, dĩ Phật trí tuệ quảng đại quang minh tịnh tu nhất thiết Bồ-đề chi hạnh!

Phật tử ! A Tu La Vương có tham sân si, đầy đủ kiêu mạn, mà còn biến hiện được thân như vậy. Hà huống đại Bồ Tát thấu đạt được tâm pháp như huyễn. Tất cả thế gian thảy đều như mộng. Tất cả chư Phật xuất hiện ra đời, đều như hình bóng. Tất cả thế giới như biến hoá. Lời lẽ âm thanh thảy đều như vang. Thấy pháp như thật, dùng pháp như thật mà làm thân mình. Biết tất cả pháp tánh vốn thanh tịnh, biết rõ thân tâm chẳng có thật thể, thân này trụ khắp vô lượng thế giới. Dùng trí huệ quang minh rộng lớn của Phật, tịnh tu tất cả hạnh Bồ Tát. 

Giảng: Các vị đệ tử của Phật ! La Hầu A Tu La Vương vẫn còn tâm tham, sân, si. Lại đầy đủ tâm kiêu ngạo ngã mạn (A Tu La Vương tuy tu hành, nhưng thiện ác lẫn lộn, có thiện có ác, công đức đều có một nửa, cho nên làm A Tu La Vương), mà còn biến hoá được thân như vậy, hà huống là đại Bồ Tát, tu hành lục độ vạn hạnh, lại chẳng còn tham sân si, lại thấu đạt thâm sâu tất cả tâm và tất cả pháp, đều như huyễn như hoá. Không những hết thảy tất cả vinh hoa phú quý, danh văn lợi dưỡng của thế gian, đều giống như mộng, mà tất cả chư Phật xuất hiện ra đời, cũng đều như hình như bóng. Tất cả thế giới giống như biến hoá ra. Tất cả lời lẽ âm thanh biểu đạt, đều như vang. Bồ Tát thấy được pháp chân thật, dùng pháp chân thật để làm pháp thân của mình. Biết tất cả pháp tánh vốn đều là thanh tịnh, thấu hiểu được thân tâm chẳng có thể tánh chân thật, chỉ là đất nước gió lửa bốn đại giả hoà hợp mà thành. Thân thể này, trụ ở khắp trong vô lượng cảnh giới. Dùng trí huệ của Phật phóng ra quang minh rộng lớn, chuyên tâm thanh tịnh tu hành tất cả hạnh bồ đề.

 

Phật tử! Bồ-Tát Ma-ha-tát trụ thử tam muội, siêu quá thế gian, viễn ly thế gian, vô năng hoặc loạn, vô năng ánh đoạt. Phật tử! thí như Tỳ-kheo quan sát nội thân, trụ bất tịnh quán, thẩm kiến kỳ thân giai thị bất tịnh. Bồ-Tát Ma-ha-tát diệc phục như thị, trụ thử tam muội, quan sát Pháp thân, kiến chư thế gian phổ nhập kỳ thân, ư trung minh kiến nhất thiết thế gian cập thế gian pháp, ư chư thế gian cập thế gian pháp giai vô sở trước.  

Phật tử ! Đại Bồ Tát trụ tam muội này, vượt qua thế gian, xa lìa thế gian, không có mê loạn, không ai che lấp được. Phật tử ! Ví như Tỳ Kheo quán sát trong thân, trụ nơi quán bất tịnh, quán thấy thân mình đều là bất tịnh. Đại Bồ Tát cũng lại như thế, trụ tam muội này, quán sát pháp thân, thấy các thế gian, vào khắp thân mình. Thấy rõ trong thân, tất cả thế gian và pháp thế gian. Nơi các thế gian và pháp thế gian, đều không chấp trước.

Giảng: Các vị Phật tử ! Vị đại Bồ Tát này trụ tại đại tam muội Phổ quang minh, vượt qua tất cả pháp thế gian, xa lìa tất cả pháp thế gian. Chẳng có thiên ma ngoại đạo đến mê hoặc Ngài, nhiễu loạn Ngài. Chẳng có quang minh khác vượt hơn quang minh này của Ngài, che lấp được quang minh này.

Các vị đệ tử của Phật ! Ví như Tỳ Kheo, quán trong thân của mình, chín lỗ thường chảy ra đồ bất tịnh, trụ nơi quán bất tịnh. Ngài thấy rõ ngũ tạng lục phủ bên trong thân thể, đều là vật bất tịnh. Đại Bồ Tát cũng như thế, khi trụ ở trong tam muội này, quán sát pháp thân của mình, nhìn thấy hết thảy tất cả thế gian, đều vào khắp trong thân của mình. Thanh tịnh rõ ràng nhìn thấy tất cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Đối với hết thảy pháp thế gian và hết thảy pháp xuất thế gian, đều chẳng chấp trước. Tại sao ? Vì thân cũng không, tâm cũng không, thế gian cũng không, cho nên chẳng chấp trước tất cả.

 

Phật tử! thị danh Bồ-Tát Ma-ha-tát đệ nhất phổ quang minh Đại tam muội thiện xảo trí.

Phật tử ! Đó là trí thiện xảo đại tam muội Phổ quang minh thứ nhất của đại Bồ Tát.

Giảng: Các vị Phật tử ! Đó tức là trí huệ thiện xảo đại tam muội Phổ quang minh thứ nhất của đại Bồ Tát tu.