A Súc Bệ Phật (Akṣōbhya): A dịch là Vô, cũng dịch là Bất. Súc Bệ dịch là Động, [A Súc Bệ] có nghĩa là Vô Động hoặc Bất Động. A Súc Bệ dịch là Bất Động, vì Pháp Thân bất động.
Trong Kinh A Di Đà, sau khi đức Phật Thích Ca khen lợi ích về công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Ðà, đức Phật Thích Ca liền bắt đầu nói tiếp:
“Này Xá-lợi-phất, như ta hôm nay ngợi khen lợi ích về công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Ðà. Ở phương Ðông cũng có Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Ðại Tu Di, Phật Tu Di Quang, Phật Diệu Âm. …”
Đức Phật bắt đầu với năm vị Phật ở Phương Đông để biểu thị căn bản trong tu hành. Điều kiện tiên quyết là như như bất động, đó là bất động giác, tức A Súc Bệ Phật. Trong danh hiệu của ba vị Phật đều có chữ Tu Di, nhằm biểu thị tự tánh, biểu thị ba thân, tức Báo Thân, Pháp Thân, và Ứng Hóa Thân. Tu Di dịch là Diệu Cao. Sáng rỡ thấu suốt gọi là Diệu, cao hơn các núi gọi là Cao. Cuối cùng, Diệu Âm Phật biểu thị phương pháp tu hành, ý nghĩa này rất rõ rệt. Phương Đông biểu thị thái độ học Phật cơ bản. A Súc Bệ Phật biểu thị bất động, tín tâm thanh tịnh bèn sanh Thật Tướng. Tâm chẳng định, chẳng thể học điều gì! Tâm phải định, nếu tâm bất động, chẳng bị hết thảy lay động, quý vị sẽ có thể tu hành.
Phật A Súc Bệ, tức là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật, tức Bất Ðộng Phật, cũng tức là Phật A Súc Bệ ở Kim Cang bộ thuộc phương Ðông, dịch là Pháp thân thường trú bất động. Pháp thân chẳng những bất động mà lại còn thường trú nữa. Ý nói rằng trí Phật là bất động nhưng có thể động, giao cảm đến trí tánh sẵn có của chúng sanh.
Trong Phật môn, tông phái rất nhiều. Khi chúng ta đã lập chí nguyện chuyên tu một pháp môn, chúng ta gặp những người học Tịnh Độ, Thiền, học Mật, học Giáo, trì Luật, tâm chúng ta có bị lay động hay không? Vẫn là chẳng lay chuyển! Tán thán sự tu hành của họ, ta vẫn thật thà tu hành, trọn chẳng bị lay động, đó gọi là “bất động giác”. Điều kiện như vậy thì mới có tư cách tu học Đại Thừa, thâm nhập một môn.
Học Tịnh bèn chuyên niệm A Di Đà Phật. Học Thiền bèn chuyên môn tham cứu. Học Mật bèn chuyên tâm trì chú. Tuyệt đối chẳng bị các pháp môn khác mê hoặc, lay chuyển. Ở đây, A Súc Bệ Phật dạy chúng ta đạo lý này. Vì thế, danh hiệu A Súc Bệ Phật được nêu ra đầu tiên ở đây chẳng phải là có ý nghĩa nông cạn, mà là có đạo lý rất sâu trong ấy. Tịnh Độ là pháp Đại Thừa, tất cả hết thảy các pháp Đại Thừa đều cần phải có thái độ như vậy thì mới có thể tu hành. Nếu không, ngay cả bén mảng ngoài rìa Đại Thừa Phật pháp cũng chẳng thể bén mảng được. Đó là điều kiện cơ bản để nhập môn Đại Thừa.
Pháp môn Tịnh độ nói rất rõ, chẳng qua chúng ta không chú ý đó thôi! Pháp môn Tịnh độ nói rằng: “Sanh thì nhất định là sanh, vãng thì thực không có vãng” (Sanh tắc nhất định sanh, khứ tắc thật bất khứ). Sanh, tức là nói sanh nơi Tịnh độ, mà sanh Tịnh độ tức làm hiển lộ tự tánh sáng rỡ của mình, như câu nói “duy tâm tịnh độ, tự tánh Di-đà”. Vậy thì chẳng cần kiếm ở đâu bên ngoài. Còn như chạy ra ngoài tìm kiếm thì đó là lối suy tưởng của phần đông chúng ta. Nếu quý vị thực tình muốn tu, muốn hiểu Phật Pháp, quý vị phải hiểu rõ một điều là cõi Cực Lạc hay cõi Ta-bà chẳng lìa khỏi cái niệm tức thời này, ngay đó là Cực Lạc! ngay đó là Ta-bà! Tâm quý vị để bị động, ô nhiễm, quý vị có Ta-bà. Tâm quý vị thanh tịnh quý vị có Cực Lạc.
Bởi vậy, bất tất phải “có đầu lại đội thêm đầu”, chớ có chấp rằng quý vị nhất định phải giáo hóa chúng sanh; chớ chấp rằng quý vị nhất định phải vãng sanh Cực Lạc. Chúng ta niệm Phật thì cứ việc niệm, đừng hỏi có sanh hay không sanh? Chỉ cần chúng ta thành tâm tu hành là đủ. Như quý vị không bị động, tức đó là Cực Lạc, nó hiện hành ngay trước quý vị! Quý vị bị cảnh lay động, tức quý vị ở cõi Ta-bà, cái thế giới của khổ đau.