Tam Nhu Thuận Nhẫn

Bồ-tát muốn học Thủ-lăng-nghiêm tam-muội trước hết phải học ái nhạo tâm; học ái nhạo tâm rồi phải học thâm tâm; học thâm tâm rồi phải học đại từ; học đại từ rồi phải học đại bi; học đại bi rồi phải học phạm hạnh của tứ thánh, đó là từ, bi, hỷ, xả; học phạm hạnh của tứ thánh rồi phải học quả báo được ngũ thông tối thượng thường tự tùy thân. Học ngũ thông rồi, lúc ấy mới có thể thành tựu sáu ba-la-mật; thành tựu sáu ba-la-mật rồi mới có thể thông đạt phương tiện; thông đạt phương tiện rồi được trụ đệ Tam Nhu Thuận Nhẫn, trụ Nhu thuận nhẫn rồi thì đắc Vô sinh pháp nhẫn, đắc Vô sinh pháp nhẫn rồi thì được chư Phật thọ ký

Tam nhu thuận nhẫn là ba nhẫn gì?  Ba thứ nhẫn đó là:

  1. Âm hưởng nhẫn
  2. Nhu thuận pháp nhẫn,
  3. Vô sanh pháp nhẫn.

Thế nào là Âm hưởng nhẫn? – Tất cả chúng sanh hoặc chửi, hoặc đánh, hoặc giết, mọi việc ác mà tâm không động chuyển, không giận, không ghét. Chẳng những nhẫn chịu sự đau khổ đó, mà lại khởi lòng thương xót các chúng sanh này, cầu việc tốt, mong cho họ được tất cả, tâm không bỏ họ. Khi ấy dần dần được hiểu rõ thật tướng của các pháp, như hơi xông thấm. Ví như mẹ hiền thương con đỏ, cho bú xú nuôi nấng, mọi sự nhơ nhớp không nhờm gớm, càng thêm thương xót muốn cho con được vui vẻ. Hành giả cũng như vậy, tất cả chúng sanh làm mọi việc ác, làm tịnh, làm bất tịnh, tâm cũng không chán ghét, không thối, không chuyển. Lại nữa, chúng sanh khắp mười phương một mình ta phải độ hết khiến cả thảy đều được Phật đạo. Tâm nhẫn không thối, không hối, không bỏ, không lười, không chán, không sợ, không thấy khó. Trong pháp sanh nhẫn này nhất tâm buộc niệm suy nghĩ ba việc trên, không cho tâm nghĩ gì khác, có nghĩ các việc khác liền thu nhiếp trở về.

 

Thế nào là Nhu thuận pháp nhẫn? – Bồ-tát đã được Sanh nhẫn công đức vô lượng biết công đức phước báo ấy là vô thường. Khi ấy, chán cái phước vô thường, cầu cái phước thường, cũng vì chúng sanh cầu pháp thường trụ. Tất cả pháp có hình sắc, không hình sắc, pháp thấy được, pháp không thấy được, pháp có đối, pháp không đối, pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, thượng, trung, hạ tìm thấu thật tướng của nó.

Thế nào là thật tướng? – Không phải hữu thường, không phải vô thường, không phải lạc, không phải không lạc, không phải không, không phải chẳng không, không phải hữu ngã, không phải vô ngã.

  • Vì sao không phải hữu thường? – Vì nhân duyên sanh vậy. Trước không nay có, đã có trở lại không, thế nên không phải hữu thường.
  • Vì sao không phải vô thường? – Vì nghiệp báo không mất, vì nhận trần cảnh bên ngoài, vì nhân duyên tăng trưởng, nên không phải vô thường.
  • Vì sao không phải lạc? – Vì trong cái khổ mới sanh tưởng là lạc, vì tất cả tánh là vô thường, vì nương nơi dục sanh, nên không phải lạc
  • Vì sao không phải không lạc? – Vì có thọ lạc, vì dục nhiễm sanh, vì cầu lạc không tiếc thân mạng, nên không phải không lạc
  • Vì sao không phải không? – Vì có quả báo tội phước, vì tất cả chúng sanh đều tin, nên không phải không.
  • Vì sao không phải chẳng không? – Vì hòa hợp v.v… sanh, vì phân biệt tìm không thể được, vì sức tâm chuyển, nên không phải chẳng không.
  • Vì sao không phải hữu ngã? – Vì không tự tại, vì giới hạn bảy thức không có, vì tướng ngã không thể thành, nên không phải hữu ngã.
  • Vì sao không phải vô ngã? – Vì có  đời  sau, vì  được giải thoát, vì mỗi tâm của ta sanh khởi không thể tính chỗ nơi, nên không phải vô ngã.

Như thế, không sanh, không diệt, không phải không sanh, không phải không diệt, không phải có, không phải không, không thọ, không trước, bặt sự nói năng, dứt đường tâm nghĩ, như pháp Niết-bàn là pháp thật tướng. Ở trong pháp này tín tâm thanh tịnh, không ngăn, không ngại, hiểu biết mềm dẻo, lòng tin mềm dẻo, tinh tấn mềm dẻo, ấy gọi là Nhu thuận pháp nhẫn.

 

Thế nào là Vô sanh pháp nhẫn? Như trong pháp thật tướng ở trên, người lợi căn trí tuệ, tín tâm, tinh tấn được tăng trưởng, gọi là Vô sanh pháp nhẫn. Ví như trong pháp Thanh văn noãn pháp, Đảnh pháp trí tuệ, tín tâm, tinh tấn tăng trưởng được Nhẫn pháp. Nhẫn là nhẫn Niết-bàn, nhẫn pháp vô lậu nên gọi là Nhẫn. Mới được mới thấy gọi là Nhẫn. Những vị Thời giải thoát A-la-hán (độn căn A-la-hán) không được Vô sanh trí, tăng tiến rộng làm lợi ích chuyển thành Bất thời giải thoát A-la-hán (lợi căn A-la-hán) được Vô sanh trí. Vô sanh pháp nhẫn cũng như thế, những vị chưa được quả Bồ-tát mà được Vô sanh pháp nhẫn liền được cụ hạnh quả Bồ-tát, ấy gọi là đạo quả Bồ-tát. Khi ấy được Ban Châu tam-muội, đối trong chúng sanh được đại bi, vào cửa Bát-nhã ba-la-mật. Khi đó, chư Phật thọ ký pháp hiệu, tùy sanh trong cõi Phật, được chư Phật niệm tưởng, tất cả tội nặng được nhẹ, tội nhẹ liền tiêu diệt, dứt ba đường ác, thường sanh cõi người, cõi trời, gọi là bất thối chuyển đến chỗ Bất động; nhục thân rốt sau được nhập trong Pháp thân, hay tạo các thứ biến hóa, độ thoát tất cả chúng sanh, đầy đủ lục độ để cúng dường chư Phật, làm thanh tịnh cõi Phật, đức thành tựu viên mãn, lần lượt được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tam Nhu Thuận Nhẫn cũng là một trong 48 đại nguyện của đức Phật A Di Đà