• Quán cảnh như huyễn
• Quán thân như huyễn
• Quán tâm như huyễn
• Vô pháp vô ngã
1. Một là thọ lầm tướng tứ đại làm thân mình
Hành giả trước tiên hãy quán thân này do tứ đại hoà hợp. Những thứ tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, chất bẩn đều thuộc về địa đại. Nước mắt, nước mũi, mồ hôi, mỡ, máu, mủ, đờm, dãi, tiểu tiện, v.v… đều thuộc về thủy đại.
Hơi ấm là hoả đại, hơi thở là phong đại. Nếu tứ đại lìa nhau thì thân này ở đâu? Nếu quán xét như thế thì biết thân này vốn chẳng có tự thể, do hoà hợp thành có tướng, thật ra đồng như huyễn hoá.
2. Hai là thọ lầm cái duyên theo bóng dáng sáu trần làm tâm mình
Vì bốn duyên giả hợp mới vọng có lục căn, từ tứ đại sanh khởi lục căn, căn trần có hoà hợp sanh khởi lục thức, do lục thức phân biệt lục trần, ghi nhớ tích tụ bên trong, tựa như có tướng nhân duyên hiện ra nên giả gọi là tâm.
Thiện nam tử! Cái vọng tâm này nếu chẳng có lục trần thì chẳng thể có, tứ đại tan rã thì cảnh trần cũng không còn. Nhân duyên căn trần đều tự tiêu tán, rốt cuộc cũng chẳng thấy có gì là tâm phan duyên.
3. Ba là thọ lầm cái ngã có thật
Đức Phật dạy: Nên nghĩ đến tứ đại trong thân, mỗi thứ tự nó có tên, không có cái nào là ‘ngã’ cả. Cái ‘ngã’ đã không có thì nó chỉ như huyễn như hóa mà thôi.
Lược giảng: Mọi người nên dùng tứ đại để quán xét thân người, ngõ hầu ý thức được thân này chỉ như huyễn như hóa, giả tạm, không thật.
Nên nghĩ đến tứ đại trong thân. Chúng ta nên ngẫm nghĩ về tứ đại trong thân mình. Thân thể của chúng ta vốn do bốn yếu tố là đất, nước, lửa, và gió (không khí) kết hợp với nhau mà hình thành. Trong thân chúng ta, những phần rắn chắc là thuộc về yếu tố đất (địa đại), ẩm ướt là thuộc về yếu tố nước (thủy đại), ấm áp là thuộc về yếu tố lửa (hỏa đại), hơi thở vô ra và sự chuyển động là thuộc về yếu tố gió hoặc chất khí (phong đại).
Mỗi thứ tự nó có tên. Mỗi một yếu tố trong tứ đại đều có tên của nó. Yếu tố nào thì có tên của yếu tố nấy. Tuy nhiên, không có cái nào là ‘ngã’ hoặc ‘tôi’ cả. Nếu nói rằng cái thân này là tôi, thì quý vị hãy xét lại xem đầu thì có tên là đầu; chân có tên là chân; mắt có tên là mắt; tai có tên là tai; mũi có tên là mũi; lưỡi có tên là lưỡi; miệng có tên là miệng. Từ đầu tới chân, mỗi bộ phận trên cơ thể đều có tên của nó. Cơ phận nào thì có tên của cơ phận đó, vậy quý vị hãy nói đi, cái tôi nằm ở đâu? Chỗ nào được gọi là tôi? Chẳng có nơi nào gọi là tôi cả!
Như vậy, đã không có một nơi nào tên tôi, thì tại sao quý vị lại chấp trước vào cái tôi? Tại sao lại quá coi trọng cái tôi như thế? Khắp cơ thể chẳng có cái gì tên tôi, chẳng có cái gì là tôi cả kia mà!
Cái ‘ngã’ đã không có, thì nó chỉ như huyễn như hóa mà thôi. Vì không có cái tôi, nên xác thân này giống như một thứ ảo ảnh hoặc biến hóa tạm bợ, chứ không có thật. Bất luận là năng-quán (người quán tưởng) hay sở-quán (đối tượng quán tưởng), tất cả đều là hư vọng, đều là huyễn hóa.
4. Bốn là Vô Ngã Pháp phá được nhị chướng (phiền não chướng và sở tri chướng)
Chân chánh vô ngã là tất cả đều không có chấp trước. Không có chấp trước mới thật là vô ngã, còn chấp trước tức là chấp ngã. Chấp ngã là duyên chướng đạo cho việc tu hành. Ngã chấp mà không còn nữa cũng tức là vô ngã. Nếu quý vị có ngã thời có phiền não. Nếu quý vị không có ngã thì phiền não do đâu mà sanh ra, cho nên vô ngã có thể phá được phiền não chướng.
Không có vô ngã mà còn phải vô pháp. Pháp là nhân cho cái ngã hiển lộ ra. Nếu không có ngã thì còn cần gì pháp? Pháp cũng vô dụng. Tuy ngã chấp bất không thì còn sở tri chướng.
Thế nào là sở tri chướng. Khi chúng ta ngồi thiền thấy vọng tưởng dấy lên là giả dối. Khi lặng xuống thì tâm hằng giác tròn đầy lặng lẽ chớ đâu có mất. Nếu tâm hằng giác mà mất thì lúc đó chúng ta đâu có biết vọng tưởng lặng. Chúng ta thấy rõ khi tâm huyễn diệt rồi thì tâm hằng giác bất động hiện tiền. Nếu y huyễn mà nói giác cũng gọi là huyễn nữa, đó là sở tri chướng.
Ví dụ như vọng tưởng dấy lên chúng ta khởi “biết vọng tưởng”; “vọng tưởng” là huyễn, nhưng “cái biết vọng tưởng” cũng huyễn luôn. Nếu nói “có giác” vẫn chưa lìa huyễn, còn nói “không giác” cũng lại như thế, cho nên pháp huyễn diệt gọi là bất động.
Khi chúng ta ngồi thiền, vọng tưởng dấy lên, chúng ta “biết nó là huyễn”, “cái biết huyễn” đó hơn “cái huyễn” một phần rồi, nhưng chúng ta chấp “cái biết huyễn” đó là thật thì chúng ta cũng còn kẹt trong huyễn nữa hay còn sở tri chướng. Như vậy, “vọng tưởng” lặng thì “cái biết vọng tưởng” cũng phải buông luôn, buông hết thì tâm như như bất động. Tâm bất động đó mới là thật, chứ còn dấy niệm quán cũng chưa được.
Sau khi chúng ta ngồi thiền được một thời gian, rồi đứng lên, chúng ta không có xả thiền. Nếu cho là xả thiền thì chúng ta cho chúng ta có nhập thiền. Nếu có nhập thiền, thì chúng ta nhập vào đâu. Và khi xả thiền, thì xả từ đâu ra và sau đó đi tới đâu. Nếu có ý tưởng nhập thiền và xả thiền thì đó là sở tri chướng.
5. Thiền Quán
Trước chúng ta thiền quán “Cảnh như huyễn”, rồi quán “Thân như huyễn” rồi sau quán “Tâm như huyễn” là vì lối tu hành phải bắt đầu từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu.
Trước quán “cảnh như huyễn” tuy khó, nhưng chưa khó lắm, đến quán “thân như huyễn” mới là khó hơn. Khi hạ thủ công phu là thiền quán thân như huyễn. Khi đã thấy xác thật thân này là hư huyễn rồi, thì không còn tham lam luyến ái, vì nó mà tạo ra các tội lỗi, để rồi thọ quả báo sanh tử luân hồi.
Đi sâu vô một từng nữa là quán “Tâm như huyễn” lại càng khó hơn nữa. Quán “Tâm như huyễn”, không có thật thể. Người đời thường chấp tâm này là ta, cái ta này thường còn không biến đổi;
Không chỉ có vô ngã mà còn cần phải vô pháp. Pháp là nhân cho cái ngã hiển lộ ra. Nếu không có ngã thì còn cần gì pháp? Pháp cũng vô dụng. Quý vị nếu vô ngã tức phá xong ngã chấp và ngã chướng. Nếu quý vị vô pháp tức là đã phá được pháp chấp, cũng phá luôn được cái sở tri chướng.
Viên thành thật tánh (Phật tánh) là không có cái tâm hư vọng và tâm điên đảo (chấp vào nhị tâm). Viên thành thật tánh chính là Chân Như. Cảnh giới của Chân Như cũng chẳng phải Chân Như mà là giả Chân Như, vì bản căn của nó không có gì là Chân Như, không có gì để gọi, không có gì để nói, không có ngã và cũng không có vô ngã, không có pháp và cũng không có chẳng phải pháp. Vì Chân Như là bản thể của tất cả các pháp.
Nay chúng tôi đã viết ra bài luận này cũng như chúng tôi không có giảng, và quý vị đọc cũng như không có nghe. Tất cả mọi người đều vô ngã. Thế có tuyệt duyệt không? Đó mới thật là vô ngã.